ads

Tuesday, October 18, 2016




Trương Thanh Thủy - cô gái được mệnh danh là "nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam" bị ung thư đã gây sốc trong cộng đồng khởi nghiệp ngày hôm qua.
Thủy được biết đến nhiều trước đó bởi tham gia tích cực trong cộng đồng khởi nghiệp và năm ngoái bán lại ứng dụng di động của mình cho công ty tại Silicon Valley với mức giá triệu đô.
Cô gái mới 30 tuổi đón nhận thông tin mình bị ung thư (phổi) một cách bình thản. Cô kể bởi sau lần phải phẫu thuật đầu tiên năm 21 tuổi, cô đã tự hứa với bản thân sẽ sống mỗi ngày như ngày cuối cùng.
Tuy nhiên khi sang Mỹ để kiểm tra, điều trị rồi được chẩn đoán ung thư đã tới giai đoạn 4 - giai đoạn cuối cùng, cô cho biết mình đã bị sốc vì rõ ràng chưa chuẩn bị bất cứ điều gì cho việc này.
Sẽ khó ai biết chính xác nguyên nhân nào khiến cô ung thư, cả Thủy và các bác sĩ có lẽ cũng vậy, bởi ung thư không xuất hiện trong một ngày và chắc không do một nguyên nhân duy nhất nào gây ra cả.
Trong các bình luận, một số người cho rằng do thực phẩm bẩn, không khí ô nhiễm, lỗi tại chính phủ,... Và dù nói ra hay không, có lẽ nhiều người đều xuất hiện câu hỏi "rồi có đến lượt mình không?".
Mình nghĩ những nguyên nhân đó không sai, nhưng nếu chỉ do một thứ gì đó chung cho mọi người thì sẽ có lý hơn nếu bệnh rơi vào những người già cả thay vì vào thanh niên đang ở thời sung sức. Chắc hẳn, phải có yếu tố gì đó mang tính cá nhân.
Trong khi tìm thêm về Thủy (để biết tuổi hiện tại), mình có đọc được đoạn phỏng vấn này cô trả lời với BBC:
“Khi làm công việc mà mình đam mê, tôi cảm thấy rất thích thú. Đối với tôi, ăn không ngồi rồi là một sự trừng phạt. Tôi chỉ ngủ có 4 đến 5 tiếng mỗi ngày và thậm chí không có thời gian để mệt mỏi. Tôi không tin có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.”
Đó là lối sống nguy hiểm.
Thời gian qua mình rút khỏi nhiều xô bồ của cuộc sống, để được tĩnh lặng hơn. Khi đủ tĩnh lặng, mình nhận ra rằng những người sống quanh mình, những người khác trong xã hội, và cả chính mình trước kia đã sống trong tình trạng quá căng thẳng, một sự căng thẳng thường trực - thường trực đến mức nhiều lúc chúng ta không nhận ra.
Chúng ta chỉ nhận ra khi bị bệnh, khi quá mệt mỏi, hay khi ở ngưỡng của stress. Nhưng rồi nhịp độ quá nhanh của cuộc sống lại cuốn đi và đẩy ngưỡng nhận biết căng thẳng lên cao hơn. Căng thẳng vẫn ở đó, chỉ có chúng ta ít khả năng nhận ra hơn. Căng quá rồi sẽ đứt.
Mình cũng mới đọc được một bạn (gái) viết rất hay về điều này. Bạn đó tập Aikido, trong đó có bài thực hành về hít thở. Chỉ đơn giản là giữ tư thế ngồi quỳ, nhắm mắt và hít thở một cách từ tốn. Không cần cố gắng hít sâu hay thở dài, chỉ quan sát và đi cùng hơi thở một cách nhẹ nhàng - về cơ bản nó giống như là thiền.
Nhưng có một điều là mỗi lần cô thực hành hít thở thì lại ngáp, lần nào cũng vậy, ngáp đến nước mắt dàn dụa. Cô có hỏi người bạn của mình, và câu trả lời của người bạn đó khá bất ngờ và đáng suy nghĩ:
"Bởi vì cơ thể của mình mệt quá rồi. Nhưng bình thường nó không được để tâm đúng cách. Mình cứ sống và làm việc thôi, không quan tâm đến nó. Tới khi có dịp được thảnh thơi ngồi lại, được hít thở đúng cách, cơ thể mới thư giãn toàn bộ, và thể hiện ra những cái mệt mỏi thường ngày."
Như vậy nếu ta để tâm đúng mức, mới có thể cảm nhận rõ sự mệt mỏi và căng thẳng của cơ thể mình đến mức nào.
Viết dài vậy cũng chỉ để nói rằng, mọi người hãy cố gắng thương lấy cơ thể của mình, chú tâm đến nó và chăm sóc nó nhiều hơn. It's the only place you have to live.
(Nguồn: Anh-Dung Nguyen)

No comments:

Post a Comment