ads

Tuesday, October 18, 2016

HỒI 1: TIN DỮ TỪ THĂNG LONG



Đốm tàn cây nhang chậm rãi toả một mùi hương tĩnh lặng, nhẹ nhàng. Cây nhang được đặt ngay ngắn trên 1 cái khay đồng được chạm khắc hình 1 con Toan Nghê rất tinh xảo. Toan Nghê là đứa con thứ tám của rồng, đầu rồng, mình sư tử, thích sự tĩnh lặng và ngắm nhìn cảnh khói hương. Vắt ngang qua cây nhang là 1 sợi dây màu đỏ mảnh nhưng chắc chắn. Ở hai đầu sợi dây là 2 quả chuông nhỏ toả ra ánh sáng kim loại dìu dịu. Đốm tàn cứ lê dần đến sợi dây
Keng…
“Đã giờ Ngọ rồi sao?”
Người đàn ông cao lớn cất tiếng. Y chắp tay sau lưng, đứng lặng lẽ nhìn ra phía biển xa mà cơn mưa từ đêm qua đang giăng kín. Suốt 1 thời thần, y chỉ đứng yên như vậy. Có lẽ y chẳng buồn để ý rằng không hề có cảnh vật gì ngoài đó cho y nhìn ngắm cả hay cũng chẳng buồn để ý đến gã huynh đệ vừa đến sáng nay trong cơn mưa như trút để báo cho y tin tức động trời từ Thăng Long.
Gã huynh đệ ngập ngừng, nuốt nước bọt rồi chặm rãi lên tiếng:
“Người chết cũng đã chết rồi, người sống còn phải sống. Quản Cơ phải nghĩ cho kỹ…”
Gương mặt gã dường như rất mệt mỏi, nước da nhăn nheo sạm lại vì nhiều đêm mất ngủ nhưng đôi mắt vẫn toát ra thần thái kiên định đầy nghĩa khí của bậc quân tử.
“Quản Cơ” là một chức vụ chỉ huy trong quân đội triều đình thời bấy giờ. Một quản cơ sẽ chịu trách nhiệm thống lãnh từ 500 đến 600 lính. Trường hợp vị Quản Cơ này đóng quân tại xứ Nghệ - trọng trấn của quốc gia lại là đất ưu binh thì cũng biết ngay khả năng cũng như danh vọng của y chẳng phải như những Quản Cơ khác.
Người được gọi là “Quản Cơ” quay đầu lại. Ánh mắt y sáng như ánh thép mà trầm tĩnh như mặt hồ. Thoạt nhìn cũng có thể biết ngay được ánh mắt này lúc thống lĩnh quân đội thì có khả năng trấn nhiếp người khác, lúc ra trận thì đe doạ quân thù, lúc làm thi phú thì hào hoa phong lãng. Y khoảng tầm 40 tuổi, dáng điệu trầm ổn, phong thái nhanh nhẹn mà uy mãnh. Mái tóc xoã dài ngang vai đã điểm vài sợi bạc nhưng nước da thì vẫn hồng hào tươi tỉnh. Hàm răng sơn đen hạt huyền không một tì vết thể hiện y là kẻ cao quý, nếu không phải có địa vị thì cũng giàu có. Đặc biệt, huyệt thái dương nhô cao chứng tỏ kẻ này là cao thủ võ công nhất đẳng chứ không phải hạng thường. Mà quả thật, 20 năm trước y từng đỗ Võ Trạng Nguyên cơ mà.
- Ta cần huynh giúp một việc. Chẳng hay huynh có ưng thuận? - Y nói.
- Việc gì xin Quản Cơ cứ dạy. Kẻ hèn này nhờ ơn Quản Cơ mà được sống. Chẳng thế mà không quản đường xá xa xôi, đến đây cấp báo tin dữ. Nước này rồi, ta chỉ biết theo Quản Cơ. Việc khó đến đâu dù gan óc lầy đất cũng nguyện theo đến cùng.
Quản Cơ vội bước đến, nắm hai tay khách phương xa, ánh mắt sáng rực mà nói:
- Hoàng huynh đệ, người và ta cùng phò một chủ, gian nan hoạn nạn đều đã trải qua. Nay người đã mất, thế đã thất, hai ta chỉ còn chí nam nhi mà đứng vững, tỉnh táo chờ thời, trước là để trả thù cho minh chủ sau là tạo nghiệp mà hộ thân. Loạn thế sinh anh hùng. Đến nước này con cá trong lạch nước cũng phải hoá rồng lao ra biển lớn thôi. Huynh có chịu cùng ta kết nghĩa huynh đệ, sướng khổ cùng chịu, vì nghĩa lớn báo thù, vì chí lớn quật khởi?
Người họ Hoàng ngỡ ngàng trong giây lát rồi ngửa mặt lên trời cười lớn:
Nguyễn huynh là người nổi tiếng thông minh, tài giỏi, xứ Bắc Hà khó ai sánh kịp. Ta được ân huệ cùng kết nghĩa với huynh thì cả đời này không có gì phải hối hận. Ta tuổi nhỏ hơn, xin gọi huynh và xưng đệ.
Nói đoạn, Quản Cơ thét gọi lính hầu đem đồ lễ soạn một mâm cúng trời đất để kết nghĩa huynh đệ với người họ Hoàng. Cỗ bàn được soạn ngay trên Lâu thuyền mà họ đang ngồi. Lâu thuyền có 3 tầng và 2 đáy, lớn hơn hẳn các chiến thuyền Hải Cốt đang neo đậu quanh đó. Lực lượng thuỷ quân ở đây gồm 3 chiếc Hải Cốt, 5 chiếc Mông Đồng, 3 chiếc Khai Lãng và một Lâu thuyền. Quản Cơ là ngừoi chỉ huy lực lượng thuỷ quân trần giữ vùng biển xứ Nghệ này. Suốt 4 năm nay, y là nỗi khiếp sợ của hải tặc quanh vùng.
Lễ vừa xong. Quản Cơ bèn nói:
Hoàng đệ, việc ta nhờ, đệ cần làm ngay. Nội trong 2 ngày tới, sự biến sẽ bất ngờ lắm. Ta e trở tay không kịp.
Đệ sẽ khởi hành ngay. Xin huynh bảo trọng.
Phần ta sẽ thương lượng nội trong hôm nay. Nếu thành công, đệ về đây sẽ thấy cờ xí rợp trời. Nếu việc không thành, ta và gia quyến sẽ đợi đệ ở bến Cẩm Phụ cách đây 2 dặm về phía nam vào giờ Hợi ngày mai. Xin đệ bảo trọng.”
Nói rồi, gã họ Hoàng tạ từ quay bước khỏi cửa phòng, vận khí xuất cước, nhấp nhô mấy cái đã yên vị trong con thuyền nhỏ, men theo bờ biển ngược về huướng Bắc, vội vàng y như buổi sáng, khi gã đến để báo tin Binh Tam Phủ đã chiếm kinh đô.
......

(Nguồn: 
Nguyen Ngoc Tien)

No comments:

Post a Comment